CÔNG TY CỔ PHẨN PHÁT TRIỂN THỰC MỸ PHẨM VFARM THI ĐUA KHỞI NGHIỆP, NÂNG CAO GIÁ TRỊ SẢN PHẨM DỪA

0  Bình luận | 18/02/2021

Sản phẩm từ dừa của tỉnh thật sự chưa có được chỗ đứng quan trọng với đời sống tiêu dùng của người dân trong nước. Đối với thị trường quốc tế, dừa Bến Tre chỉ được biết đến như là nguyên liệu của một sản phẩm gia công made in Việt Nam, bởi một nhãn hàng ngoại quốc xa xôi nào đó. Chưa có nhiều người trồng dừa và người lao động Bến Tre thực sự có được sinh kế bền vững gắn với cây dừa - một loại tài nguyên bản địa còn rất nhiều giá trị để khai thác và phát triển. Là một người con xứ Dừa, giống như tất cả người dân nơi đây, tôi thích những bữa cơm có tép rang dừa hay cá bống kho nước cốt dừa, có nước dừa chan cơm thay canh, với mấy que tép bạc xiên cọng dừa nướng trên than gáo, có mứt dừa ám khói ngọt ngào và cái nhà chòi bằng mấy bẹ lá dừa bên hiên mãi mãi là một phần ký ức tuổi thơ tươi đẹp của tôi.

Sau đại học, tôi may mắn được học bổng đi du học ở Pháp. Đi chợ châu Á, lần đầu tiên tôi biết đến lon nước cốt dừa “made in Việt Nam” được sản xuất bởi người Thái Lan. Tôi mua về làm món tép rang dừa quê hương đãi bạn Pháp mà lòng có gợn chút suy tư. Rồi tôi trở về Bến Tre làm việc. Trong những năm 2012, dừa rớt giá thê thảm, dọc đường đi những đống dừa lên mộng chất đống. Đó cũng là những năm tôi bắt đầu nghe nhiều về cụm từ “biến đổi khí hậu”, “nước biển dâng”. Tôi cũng bắt đầu quan tâm đến khái niệm “di cư có liên quan đến biến đổi khí hậu”. Tôi thật sự trăn trở, bằng cách nào những người trẻ như tôi có thể gầy dựng sự nghiệp trên quê hương, có được sinh kế bền vững để không phải rời bỏ dải cù lao rợp bóng dừa.

Rồi thông qua Chương trình Đồng khởi khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp tỉnh, tôi được thúc đẩy mạnh mẽ bởi thông điệp định hướng của chương trình “tận dụng tài nguyên bản địa để thúc đẩy khởi nghiệp địa phương, kết hợp sức mạnh công nghệ để biến những tài nguyên bản địa thành những sản phẩm hàng hóa, dịch vụ có thương hiệu mạnh, mang tầm khu vực, quốc tế và có giá trị gia tăng cao”.

Với nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển sản phẩm, Công ty cổ phần Phát triển thực mỹ phẩm VFARM ra đời ở Quới Sơn, huyện Châu Thành, bắt đầu từ sản phẩm hóa mỹ phẩm và chăm sóc cá nhân thiên nhiên từ dừa mang nhãn hiệu Coboté, có ý nghĩa “Vẻ đẹp dừa”. Một mặt, công ty mong muốn xây dựng Coboté thành thương hiệu dừa nổi tiếng của Bến Tre ra thế giới. Mặt khác, Coboté giúp công ty đúc kết kinh nghiệm làm nền tảng tiếp tục mở rộng nghiên cứu và phát triển các sản phẩm khác từ dừa nói riêng và nông sản Bến Tre nói chung.

Sau gần 4 năm tham gia chương trình Đồng khởi khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp tỉnh, được trợ lực bởi hệ sinh thái khởi nghiệp, dù mới nhưng hoạt động hiệu quả với các chương trình huấn luyện, đào tạo bài bản, các chương trình kết nối, giao thương trong và ngoài nước, Coboté đã dần được khách hàng biết đến. Sản phẩm Coboté hiện đã có mặt trên hầu hết các kệ hàng siêu thị lớn trên toàn quốc: Lotte, Aeon, Annam Gourmet, Emart, Citimart, Hello Beauty thuộc tập đoàn BigC. Coboté đến tay khách hàng quốc tế thông qua kênh thương mại điện tử Amazon.

Là một công ty khởi nghiệp non trẻ, chúng tôi tập trung nghiên cứu sản phẩm và thị hiếu tiêu dùng, không ngừng nỗ lực sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ để cho ra đời các sản phẩm từ dừa thực sự hiệu quả, an toàn và đáng giá để phục vụ người tiêu dùng. Đồng thời, chúng tôi cũng chú trọng vào việc tạo công ăn việc làm cho người địa phương, thông qua các công việc đòi hỏi sự khéo léo và linh hoạt tuyệt vời của con người, đặc biệt là phụ nữ.

Bến Tre có nhiều sản vật đặc trưng mà chúng ta chưa khai thác thương mại đúng cách. Chỉ riêng cây dừa, số lượng sản phẩm có thể thương mại hóa toàn cầu có thể kể đến hàng trăm mặt hàng. Có sản phẩm đòi hỏi vốn đầu tư lớn, như đồ uống từ dừa đóng hộp giấy Tetra Pak, có sản phẩm đòi hỏi hàm lượng nghiên cứu khoa học cao như các chiết xuất nguyên liệu ứng dụng trong ngành dược, hóa mỹ phẩm, cũng có loại sản phẩm đòi hỏi tính sáng tạo thiết kế và tay nghề khéo léo, như là các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, nhưng cũng có rất nhiều sản phẩm có thể được bắt đầu đơn giản ở quy mô nhỏ để đánh giá mức độ chấp nhận của thị trường.

Ngành chế biến dừa không mới, thị trường quốc tế đã được định hình bởi các quốc gia năng động như: Thái Lan, Malaysia, Indonesia. Chúng ta có thể tham khảo thị trường, sản phẩm, ý tưởng và hiện thực hóa ý tưởng thành sản phẩm ngay tại tỉnh, để phục vụ trước mắt cho gần 95 triệu người dân trong nước. Chúng ta có được hàng trăm ý tưởng khởi nghiệp từ chính cây dừa quê hương. Thuận lợi của người làm sau là có sẵn mô hình và sản phẩm để tham khảo. Chúng ta bắt buộc phải học thật nhanh và làm thật đúng những gì các nước khác đã làm, trước khi sáng tạo thêm những điều mới mẻ. Khó khăn của người làm sau, tất nhiên là thị trường. Bằng cách hiểu rõ chân dung của khách hàng, ở đây tôi muốn nói đến thị trường trong nước, đưa bản sắc quê hương vào sản phẩm, thị trường chắc chắn sẽ đón nhận. Với yêu cầu làm đúng từ đầu, chúng ta hẳn sẽ nhiều lúng túng. Đừng ngần ngại yêu cầu sự trợ giúp với cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt ở tỉnh là Trung tâm Xúc tiến đầu tư và khởi nghiệp tỉnh.

Tôi tin rằng, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt và sâu sát của lãnh đạo tỉnh nhằm kiến tạo và xây dựng Bến Tre trở thành “Địa phương khởi nghiệp”, những người con xứ Dừa sẽ luôn hừng hực khí thế học tập, thi đua cống hiến cho đất nước, tô đẹp cho quê hương mình bằng những sản phẩm tinh túy từ dừa nói riêng và sản vật Bến Tre nói chung, với tinh thần “Đuốc lá dừa - Đồng khởi năm xưa”. Không còn xa nữa, nhắc tới Bến Tre là người ta nhắc tới thịnh vượng và sự yêu mến thiên nhiên bắt nguồn từ tình yêu sâu đậm với cây dừa quê hương.

Đinh Thị Hạnh Tâm 

(Giám đốc Công ty cổ phần Phát triển thực mỹ phẩm VFARM)

Link bài gốc trên Báo Đồng Khởi

Viết bình luận của bạn:
popup

Số lượng:

Tổng tiền:

Loading