HẠT VI NHỰA TRONG CÁC SẢN PHẨM CHĂM SÓC CÁ NHÂN VÀ MỸ PHẨM – MỐI NGUY TIỀM ẨN GÂY Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG

0  Bình luận | 12/08/2022

Dịch từ bài báo khoa học năm 2021 “Personal Care and Cosmetic Products as a Potential Source of Environmental Contamination by Microplastics in a Densely Populated Asian City” trên Frontiers in Marine Science.
Người dịch: Nguyễn Thị Hương


Từ nhiều năm nay, các chế phẩm từ nhựa đã rất quen thuộc trong cuộc sống của con người. Mỗi ngày, lượng rác thải nhựa phát thải ra môi trường rất lớn. Do các sản phẩm từ nhựa không thể phân hủy tự nhiên nên đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống. Đặc biệt, Hạt vi nhựa (Microplastic) đã trở thành một chất gây ô nhiễm môi trường phổ biến, là mối đe dọa lớn đến hệ sinh thái toàn cầu. Vi nhựa là những hạt nhựa nhỏ có đường kính nhỏ hơn 5mm, được phân rã từ các loại nhựa khác nhau (chai nước, đồ gia dụng, túi ni lông, …). Bên cạnh đó, còn có một nguồn phát thải lớn vi nhựa là từ các sản phẩm chăm sóc cá nhân và mỹ phẩm (Personal care and Cosmetic product - PCCP). Năm 2017, một nghiên cứu bởi Cheung và Fok đã ước tính được mỗi năm có khoảng 209 nghìn tỷ hạt vi nhựa (nặng 306.9 tấn) từ các sản phẩm PCCP thải ra môi trường nước của Trung Quốc [1].


Sau đây chúng tôi xin phép giới thiệu đến các bạn một nghiên cứu được thực hiện bởi Saidu và các cộng sự ở thành phố Macao, Trung Quốc để hiểu rõ hơn về mức độ phát thải ra môi trường của vi nhựa có nguồn gốc từ các sản phẩm chăm sóc cá nhân và mỹ phẩm (PCCP).


I/ GIỚI THIỆU
Microbeads – là loại hạt vi nhựa có kích thước lớn hơn 0,1μm và nhỏ hơn 1mm. Nhiều doanh nghiệp đã thêm vào các sản phẩm PCCP (Ví du như kem đánh răng, tẩy da chết, dầu gội, sữa tắm…) các hạt microbead vì khả năng làm sạch bụi bẩn và chất nhờn trên da. Microbeads có thể được sản xuất với các hình dạng khác nhau và từ nhiều loại polyme khác nhau: polyethylene (PE), polyethylene terephthalate (PET), polypropylene (PP), polymethyl methacrylate, (PMMA), nylons (PA), polyester và polyurethane cũng được sử dụng [2,3].
Sau khi được con người sử dụng sau các bước làm sạch, microbeads lọt qua các hệ thống xử lý nước thải, đổ ra sông hồ và biển. Khi hòa vào nước, chúng có khả năng hấp phụ các chất gây ô nhiễm kỵ nước, các động vật thủy sinh ăn vào, con người đánh bắt và chế biến thành thức ăn, vô tình tiêu hóa các hạt này [4, 5]. 


II/ Phương pháp nghiên cứu và kết quả
  1.  Khảo sát thị trường PCCP
Một cuộc khảo sát đã được thực hiện vào tháng 10 năm 2016 để xác định tỷ lệ PCCP được bán trong thị trường địa phương có chứa vi nhựa. Saidu và các cộng sự đã thu thập thông tin từ 9 cửa hàng bán lẻ phổ biến ở Macao. Trong mỗi cửa hàng, chọn ngẫu nhiên các nhãn hiệu khác nhau để kiểm tra thành phần trên nhãn (không lặp lại sản phẩm ở cửa hàng khác). Họ đã kiểm tra tổng cộng 144 sản phẩm, được chia thành các nhóm sản phẩm sử dụng cho da cơ thể (68), da mặt (31) và mỹ phẩm (45). Nhãn thành phần được kiểm tra bằng mắt để xác định các sản phẩm có chứa hạt vi nhựa có thành phần: PE, PP, PET, PMMA và PA.
Kết quả cho thấy 100 (69%) sản phẩm được phát hiện có chứa ít nhất một loại vi nhựa trong nhãn thành phần. Tất cả 45 sản phẩm mỹ phẩm được khảo sát đều có ít nhất một loại vi nhựa trong thành phần. Hơn 70% và 30% sản phẩm dành cho da mặt và cơ thể cũng chứa vi nhựa. Trong các sản phẩm được xác định là có chứa vi nhựa, PE là polyme chính, có mặt trong 76% số mẫu, tiếp theo là nylon (15%), PMMA (12%), PET (6%) và PP (3%). 


   2. Định lượng hạt vi nhựa trong PCCP
Một loại sữa rửa mặt (sản phẩm A), 2 loại tẩy tế bào chết mặt (sản phẩm B, C) từ 3 nhãn hiệu phổ biến ở Macao có chứa vi nhựa làm từ PE đã được chọn ngẫu nhiên để kiểm tra số lượng, kích thước, hình dạng và trọng lượng tương đối của microbeads.
Phương pháp tách vi nhựa từ PCCP của Saidu và các cộng sự tuân theo giao thức của Fendall và Sewell’s (2009) [6]: 

Hình. Phương pháp tách các hạt vi nhựa từ PCCP


Kết quả được thống kê dưới bảng sau:

Sản phẩm

Kích thước

(μm)

Màu sắc

Hàm lượng

(hạt/g)

Trọng lượng

(%)

Thành phần polyme

A

11-328

Trắng, xanh

41,064 ± 4,979

3.49 ± 0.27

Polyethylene mật độ thấp và các loại khác

B

74-660

Trắng, trắng trong suốt

7,703 ± 709

1.74 ± 0.03

Polyethylene mật độ thấp

C

74-968

Trắng, nâu

18,574 ± 3,045

5.7 ± 1.1

Polyethylene mật độ thấp và các loại khác

Bảng. Kết quả định lượng microbeads trong PCCP

 

 3. Ước tính lượng hạt vi nhựa phát thải vào môi trường
Tổng mức phát thải vi nhựa hàng năm từ PCCP ra môi trường ở Macao được ước tính theo quy trình của Cheung và Fok (2017) và sử dụng công thức:


T_(#mb)=P_M×P_use×F_use×P_mb×D_mB×W_use×R_wwtp×12


Trong đó:
T_(#mb) là tổng số hạt vi nhựa được thải ra môi trường mỗi năm
P_M là tổng dân số của Macao
P_use là tỷ lệ dân số sử dụng PCCP
F_use là tần suất sử dụng PCCP mỗi tháng
P_mb là tỷ lệ của PCCP có chứa microbeads bán ở thị trường địa phương
D_mb là mật độ trung bình của microbeads trên mỗi PCCP
W_use là trọng lượng của sản phẩm trên mỗi lần sử dụng
R_wwtp là tỷ lệ microbeads thoát khỏi hệ thống xử lý nước thải (Người ta cho rằng tất cả nước thải ở Macao đều đã được nhà máy nước thải xử lý)
Nghiên cứu ước tính được hơn 2000 tỷ microbeads từ PCCP đi vào các nhà máy xử lý nước thải Macao mỗi năm. Trong số đó, hơn 37 tỷ (0.06 tấn) được dự kiến sẽ được thải ra môi trường do các nhà máy xử lý nước thải chưa xử lý được triệt để. 


III/ Kết luận
Nghiên cứu này cho thấy rằng một tỷ lệ cao (69%) PCCP được bán ở Macao trong năm 2016 có chứa vi nhựa, trong đó PE là thành phần phổ biến nhất. Tất cả các sản phẩm trong danh mục mỹ phẩm đều có chứa ít nhất một loại hạt vi nhựa. Hệ thống xử lý nước thải chưa loại bỏ được hoàn toàn vi nhựa. Đồng thời, không phải tất cả các nguồn nước thải đều chảy qua hệ thống xử lý nước thải. Vì vậy, lượng vi nhựa thải ra từ PCCP mỗi năm là rất lớn. Mặc dù tác động của vi nhựa trong sinh lý của các loài thủy sản vẫn còn chưa được hiểu rõ, nhưng một số nghiên cứu đã chứng minh những tác động tiêu cực đến tăng trưởng, tỷ lệ sống và sinh sản của chúng [7]. Và mỗi năm, con người tiêu thụ một lượng lớn hải sản. Theo khảo sát của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) năm 2020, mức tiêu thụ hải sản bình quân của người Việt khoảng 44kg/người/năm. 
Việc loại bỏ vi nhựa làm thành phần trong PCCP có vẻ tương đối dễ đạt được so với các hành động khác cần thiết để giảm ô nhiễm bằng vi nhựa. Ví dụ như chúng ta có thể sử dụng đường nâu, cà phê, đất sét để tẩy tế bào chết, vừa an toàn cho cả da và môi trường. Hiện tại, một số quốc gia đã cấm sử dụng các sản phẩm có chứa vi nhựa như Mỹ, Canada, Úc, Anh, Hàn Quốc đều đã ban hành luật cấm sử dụng vi nhựa trong các sản phẩm tẩy rửa. Chúng ta hãy ngưng sử dụng các sản phẩm chăm sóc cá nhân và mỹ phẩm chứa vi nhựa để bảo vệ bản thân và góp phần bảo vệ trái đất – ngôi nhà chung của chúng ta.



TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Cheung. P. K and Fok. L., Characterisation of plastic microbeads in facial scrubs and their estimated emissions in Mainland China, WaterRes, 122, 53-61, 2017.
2. Cole M., Lindeque P., Halsband C. and Galloway T. S., Microplastics as contaminants in the marine environment: a review, Mar. Pollut. Bull., 62, 2588-2597, 2011. 
3. Lesli H. A., Review of microplastics in cosmetics, Vrije Universiteit Amsterdam, 2014.
4. Emma L. T., Steven J. R., Tamara S. G., and Thompson R., C., Potential for plastics to transport hydrophobic contaminants, Environ. Sci. Technol., 41, 7759-7764, 2007. 
5. Bakir A., Rowland S. J., and Thompson R. C., Competitive sorption of persistent organic pollutants onto microplastics in the marine environment, Mar. Pollut. Bull., 64, 2782-2789, 2012.
6. Fendall L. S. and Sewell M. A., Contributing to marine pollution by washing your face: microplastics in facial cleansers, Mar. Pollut. Bull., 58, 1225 – 1228, 2009.
7. Foley C. J., Feiner Z. S., Malinich T. D., and Hook T. O., A meta-analysis of the effects of exposure to microplastics on fish and aquatic invertebrates, Sci. Total Environ., 631-632, 550-559, 2018.

Viết bình luận của bạn:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: